Giới thiệu thơ Ngô Đình Miên:
...Nói về hiện thực theo hướng " Phía ngược"
của Ngô Đình Miên thì nhiều chục năm trước chúng ta đã có những nhà
thơ tài hoa từng đi còn đường ấy nhưng phần nhiều họ đều bị vấp ngã
bị " tai nạn" vì xã hội thời đó chưa chấp nhận. Con đường đi đến dân
chủ tự do không phải là một con đường bằng phẳng rắc đầy hoa. Thời ấy
rồi cũng dần qua. Nay thì Ngô Đình Miên nói không phải nói theo hay
nói thay ai mà nói bằng trí tuệ tỉnh táo và trái tim đớn đau của mình... (Đỗ Kim Ngư)
"PHÍA NGƯỢC"
- Một trái tim đau!
ĐỖ KIM NGƯ
Năm ngoái bạn tặng ta tập thơ " Lời ru tóc trắng".
Ta đọc rồi cất lên giá bên cạnh nhiều tập thơ của thi hữu gần xa như
một món quà kỉ niệm vẫn thường nhận chẳng mấy mặn mà nói ra e bạn
giận. Phải chăng vì xã hội hôm nay quá lắm nhà thơ- được phong và tự
phong- nên thơ mất giá? Hay là vì người thưởng thức thơ đã bị "bội
thực" vì "thơ thẩn" đến độ sợ cả đọc thơ và nghe thơ?
Năm nay (2008) bạn lại tặng ta tập thơ " Phía ngược" (*) bảo đọc cho vui toàn thơ mới làm cả. Ta nghĩ mỗi năm "sòn sòn" ra một tập thơ chắc gì...?
Vẫn
biết Ngô Đình Miên làm thơ từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường Sư
phạm Đà Lạt trước 1975 đã có thơ in chung in riêng; kể cũng không
nhiều lắm trong gia tài một nhà thơ. Nhưng khi đọc qua một lần " Phía ngược" có điều gì bật ra khiến ta phải đọc thêm lần nữa lần nữa... những câu thơ như có ma lực ám ảnh đến lạnh sống lưng. " Ta đã đi trên những lối mòn/ Cỏ ngã rạp về cùng một phía/ Hoa nở chung một sắc màu đều/ Sự tồn tại của mặt trời là vô nghĩa..." ( Phía ngược).
Phía ngược ấy là phía nào? Ai đó thích suy diễn hãy nghe chính tác giả nói: "
Em có muốn cùng ta đi về phía ngược/ Đường hoa đủ màu nhiều giọng hót
chim/ Sỏi đá thật làm đau bàn chân thật/ Sự thật nói lời câm lặng trái
tim..." ( Phía ngược).
Từng
là thầy giáo ở một huyện miền núi hàng chục năm rồi làm cán bộ huyện
cán bộ tỉnh Ngô Đình Miên lăn lộn từng trải là điều không phải bàn.
Anh cũng đã bước sang tuổi "tri thiên mệnh" của đời người. Từ sự chiêm
nghiệm của bản thân và hiện thực cuộc sống bề bộn đa chiều hôm nay
anh đã ngộ ra nhiều điều. Không giống như nhiều người làm thơ thường né
tránh những vấn đề gai góc dễ vướng anh tìm về phía ngược và hành
trình đi về phía ngược của anh là hành trình vật lộn với chính bản thân
mình. " Cứ đi đi đừng chờ ta phía trước/ Bao cánh đồng vinh nhục
cuối chân trời/ Quen bước tới ta quay về phía ngược/ Ném chén vơi đêm
tàn cuộc rượu rồi..."
( Về ).
Ở
phía ngược ấy Ngô Đình Miên muốn nói gì? Đó là mặt trái của xã hội
đang phơi bày mà anh chỉ là người can đảm nói lên sự thật bằng một trái
tim đang rỉ máu. " Hiện thực đầy biến động/ Xô lệch tâm con người/ Đâu phải đời là mộng/ Qụăn lòng đau khôn nguôi..." ( Thôi ).
Bản chất xã hội ta là tốt đẹp hơn nhiều chế độ xã hội ta đã trải qua nhưng hiện thực sao lắm chuyện đáng buồn. " Thời kẻ có tiền mua tiên cũng được/ Quyền chức hoá hàng họp chợ bán mua..." ( Khúc thức ) và đáng khinh bỉ:
"Có chuyện thật như đùa cười ra nước mắt/ Chạy tuổi nhỏ hơn để còn tại
quan trường/ Tuổi mẹ cha cũng lọc lừa đổi chác/ Chưa kịp lãnh lương hưu
vàng đã rắc đầy đường..." ( Thăm bạn nằm bệnh).
Trước những "tấn trò đời" mà có người còn muốn đậy che biến xấu thành
tốt ác thành thiện thì Ngô Đình Miên không ngại ngần bày tỏ thái độ: "Khi thấy anh ngựa xe chũm choẹ/ Xoè lông công rực rỡ ồn ào/ Mọi người vỗ tay khen đẹp quá/ Cái xấu nào biết trốn nơi đâu" (Tốt xấu).
Ngô
Đình Miên nói về phía ngược nhưng không phải để bôi đen mà bằng thái
độ đầy trách nhiệm với cuộc sống. Trong thơ anh và bên cạnh anh luôn
có đông đảo những người lương thiện đặc biệt là những người bất hạnh
do chiến tranh nghèo đói bệnh tật những người là nạn nhân của cái
ác của sự vô trách nhiệm vô cảm. " Tôi ước sao những biệt thự
trong thành phố/ Trở thành nhà nuôi trẻ mồ côi/ Tôi ước gì sân gôn mười
tám lổ/ Làm vườn hoa cho người già bách bộ và trẻ con chơi/ Tôi ước sao
bên cạnh những tên đường danh nhân lịch sử/ Thành phố nào cũng có Đại lộ Nhân dân..." (Ước mơ).
Nói về hiện thực theo hướng " Phía ngược"
của Ngô Đình Miên thì nhiều chục năm trước chúng ta đã có những nhà
thơ tài hoa từng đi còn đường ấy nhưng phần nhiều họ đều bị vấp ngã
bị " tai nạn" vì xã hội thời đó chưa chấp nhận. Con đường đi đến dân
chủ tự do không phải là một con đường bằng phẳng rắc đầy hoa. Thời ấy
rồi cũng dần qua. Nay thì Ngô Đình Miên nói không phải nói theo hay
nói thay ai mà nói bằng trí tuệ tỉnh táo và trái tim đớn đau của mình.
Đọc " Phía ngược"
của Ngô Đình Miên biết anh đang giữ trọng trách Trưởng Ban Văn hoá- xã
hội Hội đồng nhân dân Tỉnh có người bảo anh đã đưa cả chức năng của
người đại biểu hội đồng vào thơ. Tôi không dám nói anh làm " thơ phản
biện" Nhưng có thể mạnh dạn nói rằng tập thơ " Phía ngược" của anh đang đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời...
Ngô Đình Miên chưa phải là nhà thơ lớn ( tôi nghĩ thế) và anh cũng chưa có được cái "dũng" của những bậc vĩ nhân " Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà..." ( Nguyễn Đình Chiểu). Khi tìm về phía ngược đôi chỗ anh còn tỏ ra bi quan buông xuôi cảm thấy bất lực. "
Dạ thưa đâu dám nhiều lời/ Đã trót thì trét vậy thôi muôn trùng/ Ngắn
dài tính chuyện vô cùng/ Dạ thưa rồi cũng đỉnh chung cửu tuyền..." ( Dạ thưa)...
Nhưng tôi vẫn nghĩ hành trình tìm về phía ngược của Ngô Đình Miên chưa phải đã dừng lại ở đây./
Phan Thiết tháng 9/2008
ĐỖ KIM NGƯ
(Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật Bình Thuận)
(*): " Phía ngược" tập thơ của tác giả Ngô Đình Miên Hội Văn học- nghệ thuật Bình Thuận xuất bản năm 2008.